BÀI KHEN NGỢI KINH SÁM HỐI

Posted: 02/11/2014 in Kinh Thiên Đạo

I/.Kinh văn

II/.Chú giải

I.-KINH VĂN:

                        BÀI KHEN NGỢI KINH SÁM HỐI

 

Nghe lời khuyến thiện rất may,

Nguyện lòng niệm Phật ăn chay làm lành.

Ngày ngày tập sửa tánh thành,

Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn.

Một là hối ngộ tội căn,

Hai là cầu đặng siêu thăng Cửu huyền.

Đương sanh hạnh hưởng phước duyên,

Trong nhà già trẻ miên miên thái bình.

Sau dầu đến chốn Diêm đình,

Linh hồn trong sạch nhẹ mình thảnh thơi.

Luân hồi trở lại trên đời,

Tiền công thì cũng Phật Trời thưởng ban.

Cầu xin trăm họ bình an,

Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm.

II.-CHÚ GIẢI:

Nghe lời khuyến thiện rất may,

Nguyện lòng niệm Phật ăn chay làm lành.

Khuyến thiện 勸 善: Khuyên làm những điều lành.

Nguyện lòng: Nguyện với lòng mình, tức là tự hứa nguyện trong lòng.

Ăn chay: Giữ giới mà không ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc từ các loài động vật như: Trứng, cá, thịt…

Người ăn chay chỉ dùng các thực phẩm xuất phát từ thảo mộc, hay chế biến từ thảo mộc. (Xem chú thích trong câu 272 Kinh Sám Hối).

Câu 1: Rất may mắn khi được nghe những lời khuyến thiện.

Câu 2: Nên nguyện với lòng sẽ niệm Phật, ăn chay và làm lành.

Ngày ngày tập sửa tánh thành,

Đêm đêm tự tỉnh tu hành ăn năn.

Tánh thành: Hay thành tính 誠 性 Tính nết thành thật ngay thẳng.

Theo Mạnh Tử, “Thành thực là cái Đạo của Trời, luyện tập để trở nên thành thực là cái Đạo của người. Hễ chí thành mà không cảm động được thiên hạ thì chưa hề có; không thành thực thì chẳng cảm động được ai cả”.

Tuân Tử cũng cho rằng đức thành cảm hóa được con người và vạn vật, là một cái Đạo của Trời đất, của Thánh nhân. Ông nói: “ Quân tử dưỡng tâm thì không gì tốt bằng luyện đức thành. Hễ chí thành rồi thì không còn việc gì làm hại được tâm nữa. Chỉ thành tâm giữ lấy điều nhân, chỉ thành tâm làm theo điều nghĩa. Hễ thành tâm giữ điều nhân thì niềm thành tâm tất hiện ra ngoài mà tất có hiệu lực thần diệu, thần diệu thì cảm hóa được người; hễ thành tâm làm điều nghĩa thì tất thấu lý, thấu lý thì tất sáng, sáng thì tất biến đổi lòng người…Trời đất lớn thật, nhưng nếu không thành thực thì không cảm hóa được vạn vật; Thánh nhân sáng suốt thật, nhưng nếu không thành thực thì không cảm hóa được vạn dân; tình cha con thân thật, nhưng nếu không thành thực thì hóa sơ; bậc vua và bề trên đáng tôn kính thật, nhưng nếu không thành thực thì hóa thấp. Thành là cái người quân tử phải giữ, và là cái gốc của chính trị” (Quân tử dưỡng tâm mạc thiện vu thành, trí thành tắc vô tha sự hỹ. Duy nhân chi vi thủ, duy nghĩa chi vi hành. Thành tâm thủ nhân tắc hình, hình tắc thần, thần tắc năng hóa hỹ; thành tâm hành nghĩa tắc lý, lý tắc minh, minh tắc năng biến hỹ…Thiên địa vi đại hỹ, bất thành tắc bất năng hóa vạn vật; Thánh nhân vi tri hỹ, bất thành tắc bất năng hóa vạn dân; phụ tử vi thân hỹ, bất thành tắc sơ; quân thượng vi tôn hỹ, bất thành tắc ti. Phù thành giả, quân tử chi sở thủ dã, nhi chính sự chi bản dã 君 子 養 心 莫 善 于 誠, 致 誠 則 無 它 事 矣. 唯 仁 之 為 守, 唯 義 之 為行. 誠 心 守 仁 則 形, 形 則 神, 神 則 能 化 矣; 誠 心 行 義 則 理, 理 則 明, 明 則 能 變 矣… 天 地 為 大 矣, 不 誠 則 不 能 化 萬 物; 聖 人之 為 知 矣, 不 誠 則 不 能 化 萬 民; 父 子 為 親 矣, 不 誠 則 疏; 君 上 為 尊 矣, 不 誠 則 卑. 夫 誠 者, 君 子 之 所 守 也).

Tự tỉnh 自 省: Tự mình thức tỉnh, tức là tự xét trong mình phải trái hay dở thế nào để mà sửa chữa.

Đức Khổng Tử dạy về cách xét mình như sau: Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang; kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh見 善 如 不 及, 見 不 善 如 探 湯; 見 賢 思 齊 焉, 見 不 賢 而 內 自 省 也:

Dịch vần

Thấy người làm việc tốt lành,

                        Mình như thua kém, tiến lanh kịp người.

                              Thấy ai xấu nết chớ cười,

                        Xét xem mình có giống người ấy chăng?

Tu hành 修 行: Sửa sang rèn luyện.

Tu hành” theo sách Hán thư viết: Nếu thông hiểu sách sử thì nên sửa sang tâm tính để thi hành đạo lý của các tiên vương.

Sau này, chữ tu hành thường dùng theo nghĩa: Vào một tôn giáo để sửa đổi tâm tính và thi hành giáo lý của tôn giáo ấy.

Câu 3: Hằng ngày rèn tập để tu sửa cho tánh nết thành thật ngay thẳng.

Câu 4: Hằng đêm tự xét mình xem nếu có lầm lỗi thì ăn năn tu hành.

Con người sống trong thế gian đầy tội lỗi, mà thiếu tự xét mình và giữa tập thể thiếu sự xây dựng của những người chung quanh thì khó lòng trở thành người tốt được. Những tín hữu làm việc trong Đạo không biết suy xét và thiếu sự góp ý, phê bình của tập thể thì dễ rơi vào chủ quan, lệch lạc và có hành vi không chuẩn mực, đó là chưa nói đến những sai trái của cá nhân khi không được quan tâm phê bình cũng như tự phê bình.

Về mặt hành vi, tự phê bình là phẩm chất tốt và đạo đức, thể hiện sự dũng cảm trong đấu tranh đối với cái sai trái của chính mình. Hai câu kinh trên nhằm nói lên con người muốn chiến thắng bản thân mình thì hằng ngày phải sống thật với lòng mình, tức là nhận rõ điều tốt việc xấu của mình để sửa đổi; và hằng đêm còn phải biết tự xét mình mà ăn năn hối cải. Có như vậy, con người mới khắc phục được những thiếu sót, khuyết điểm, mới cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn, tự tin hơn trên đường tu học.

Một là hối ngộ tội căn,

Hai là cầu đặng siêu thăng Cửu huyền.

Hối ngộ 悔 悟: Hối hận và giác ngộ.

Tội căn 罪 根: Gốc của tội lỗi trong kiếp sống trước.

Siêu thăng 超 升: Siêu vượt bay lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Cửu huyền 九 玄: Đây là một thành ngữ dùng để chỉ Ông bà Tổ tiên. Thờ cúng Ông bà Tổ tiên, nhiều gia đình xưa thờ Tiên Linh 先靈,Truy viễn 追 遠 hay Cửu Huyền Thất Tổ 九 玄 七 祖.

Thờ Cửu Huyền, cũng giống như thờ Tiên Linh hay Truy Viễn vậy, tức là thờ các vị Tổ tiên Ông bà chung từ xa xưa đến nay. Chữ Huyền chỉ về đời, Tổ chỉ hàng ông nội trở lên.

Có thuyết cho rằng Cửu Huyền cũng là Cửu tộc, kể từ Cao Tổ nhỏ xuống đến cháu huyền tôn là chín đời.

Sách Ấu Học Quỳnh Lâm giải thích về Cửu tộc như sau: “Hà vị Cửu tộc? Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ thân, Tử, Tôn, Tằng, Huyền 何 謂九 族? 高, 曾, 祖, 考, 己 身, 子, 孫, 曾, 玄” (Cửu tộc là gì? Ông sơ, ông cố, ông nội, cha, bản thân, con, cháu, chắt, chít).

Như vậy từ bản thân kể lên bốn đời, và đếm xuống bốn đời, cộng chung lại là chín đời, gọi là Cửu tộc:

1             Cao Tổ         高 祖               (Ông Sơ)

2             Tằng Tổ        曾 祖               (Ông Cố)

3             Tổ Phụ         祖 父            (Ông Nội)

4             Phụ thân       父 親            (Cha)

5             Kỷ thân       己 身            (Bản thân)

6             Trưởng tử    長 子            (Con trưởng)

7             Đích tôn      嫡 孫            (Cháu nội)

8             Tằng tôn       曾 孫            (Cháu chắt)

9             Huyền tôn    玄 孫            (Cháu chít)

Nếu thờ Cửu Huyền mà lấy Cửu tộc ra thờ thì chỉ thờ được bốn đời trên bản thân mình, tức từ phụ thân đến cao tổ, còn bốn đời sau là con cháu thì sao lại thờ được?

Như vậy, theo thiển ý, Cửu Huyền là một danh từ dùng để chỉ chung Tổ tiên Ông bà nhiều đời trước mà thôi, giống như thờ Tiên linh hay Truy viễn, nghĩa là từ cha mẹ đã chết đến Tỵ tổ (không kể số lượng là chín).

Câu 5: Điều thứ nhứt là để sám hối những tội căn đã làm rồi giác ngộ tu hành.

Câu 6: Điều thứ hai là cầu rỗi đặng cho Cửu huyền được siêu thăng tịnh độ.

Được may duyên gặp thời kỳ Đức Chí Tôn khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong thời hạ nguơn mạt pháp, để ân xá cho toàn thể chúng sanh, chúng ta thọ trì nền chánh Đạo, là tự bản thân đã cải tà qui chánh, sám hối những tội căn đã làm trong quá khứ. Ngoài ra còn lo bồi công lập đức, tu tâm dưỡng tánh, là để cầu rỗi cho Cửu Huyền Thất Tổ và hai đấng sanh thành được siêu thăng tịnh độ.

Thực vậy, các đấng Thiêng Liêng có dạy: “Nhất nhân hành Đạo Cửu Huyền thăng 一 人 行 道 九 玄 升”, và trong bài kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu có câu:

Thong dong cõi thọ nương hồn,

Chờ con lập đức giúp huờn ngôi xưa.

            Con cháu muốn làm tròn hiếu đạo với Ông bà Tổ phụ, hai Đấng song thân, không gì hơn là phải biết tu thân, lập đức, nhất là phải thực hành công quả, để lấy đó mà dâng hiến lên Ông bà Tổ phụ, hai đấng sinh thành.

Như vậy, công quả mới thực sự là một món quà trân trọng nhất để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu dâng cúng Cửu Huyền Thất Tổ và cha mẹ, làm hành trang để trở về ngôi xưa vị cũ.

Đương sanh hạnh hưởng phước duyên,

Trong nhà già trẻ miên miên thái bình.

Đương sanh 當 生: Đang kiếp sống nơi cõi trần.

Hạnh hưởng 幸 享: May mắn được thọ hưởng.

Phước duyên 福 緣: Cái duyên phước đức, nghĩa là điều may mắn tốt lành do cái duyên trong kiếp sống trước tạo ra.

Miên miên 綿 綿: Mãi mãi, lâu dài.

Thái bình 太 平: Rất yên ổn.

Câu 7: Đang trong cuộc sống được may mắn thọ hưởng những phức đức do duyên lành nơi kiếp trước.

Câu 8: Trong gia đình tất cả những người già trẻ đều được yên ổn lâu dài.

Sau dầu đến chốn Diêm đình,

Linh hồn trong sạch nhẹ mình thảnh thơi.

Diêm đình 閻 廷: Triều đình của Diêm vương, chỉ cõi Âm phủ. Đồng nghĩa với Diêm Cung.

Linh hồn trong sạch: Linh hồn còn gọi là Chơn linh, là điểm linh quang của Chí Tôn ban cho, tự nó đã là trong sạch nhẹ nhàng rồi.

Sở dĩ Linh hồn không trong sạch là bởi vì con người đã trải qua biết bao nhiêu kiếp luân hồi sinh tử, gây ra biết bao nhiêu oan nghiệt, mà tạo nên nghiệp quả khiến cho Chơn thần phải chịu nặng nề ô trược. Khi Chơn thần bị trọng trược thì sẽ níu kéo Chơn linh, làm cho Chơn linh cũng nặng nề ô trược.

Dòng khổ hải hễ thường chìm đắm,

                           Mùi đau thương đã thắm chơn linh.

                              Dây oan xe chặt buộc mình,

                     Nhớp nhơ lục dục thất tình nhiễm thân.

                                                            (Kinh Giải Oan)

Để Chơn linh được trong sạch nhẹ nhàng, con người phải dẹp bỏ thất tình lục dục, và tu dưỡng một thân thể tinh khiết bằng cách giữ gìn trai giới, có tư tưởng thanh cao, phát huy bản thể trọn lành của Thượng Đế và thường xuyên lễ bái để tâm hồn mình được thông công, giao cảm với Trời, mà nâng bước tiến tâm linh ngày thêm Thánh thiện.

Thảnh thơi: Không bị ràng buộc, không bị tội lỗi.

Câu 9: Ngày sau dầu có đi xuống chốn Diêm đình.

Câu 10: Thì Linh hồn cũng được trong sach, nhẹ nhàng và thảnh thơi.

Luân hồi trở lại trên đời,

Tiền công thì cũng Phật Trời thưởng ban.

Luân hồi 輪 迴: Luân là bánh xe xoay vần, Hồi là quay trọn vòng này trở lại đến vòng khác, cứ thế quay mãi.

Sự luân chuyển của chúng sanh trong sáu cõi (Lục đạo 六 道), sanh tử, tử sanh tiếp nối nhau không ngừng như cái bánh xe quay không có khởi điểm. Chúng sanh bị nghiệp lực cuốn hút vào vòng sống chết không bao giờ dừng nghỉ, chỉ khi nào đạt được giải thoát hay chứng quả mới thôi.

Tiền công 前 功: Công quả hay công đức của tiền kiếp đã tạo ra.

Thưởng ban 賞 頒: Trời Phật ban ra mà thưởng cho người có công quả hay công đức.

Câu 11: Rồi luân hồi chuyển kiếp để trở lại trên cõi đời.

Câu 12: Công quả hay công đức trong kiếp trước đã tạo ra sẽ được Trời Phật ban thưởng cho kiếp sống này.

Cầu xin trăm họ bình an,

Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm.

Trăm họ: Do chữ bá tánh 百 姓, chỉ toàn thể dân chúng.

Thanh nhàn 清 閒: Rảnh rang, không bận bịu việc gì.

Câu 13: Cầu xin cho tất cả trăm họ được bình an.

Câu 14: Đất nước được giàu, dân chúng được mạnh để hưởng cảnh thanh nhàn muôn năm.

Bình luận về bài viết này